GD&TĐ -Đều đặn 20h-23h, từ thứ 2 đến chủ nhật hằng tuần tại bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên lớp học chữ Thái cổ nơi đây lại sáng đèn.
Lớp dạy chữ Thái cổ ở bản Liếng, xã Noong Luống, Huyện Điện Biên (Điện Biên). |
Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái chiếm khoảng 38%, do vậy, văn hóa Thái có ảnh hưởng khá lớn đến các dân tộc khác trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, đồng bào Thái còn rất ít người biết chữ Thái và chỉ sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày.
Trước thực tế này đã có một số lớp học chữ Thái được lập ra, với mục đích bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái. Bởi việc dạy và học chữ Thái không những là để lưu giữ những nét đẹp, tinh hoa trong văn hóa Thái, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Tiêu biểu là lớp học chữ Thái cổ xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên), được mở từ nguồn ngân sách của Chương trình dân tộc thiểu số do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Điện Biên chủ trì, mỗi khóa có 30 học viên, trong đó người nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi và cao nhất 73 tuổi, đến từ các thôn bản trên địa bàn xã Noong Luống.
Đặc biệt, do ban ngày bà con nông dân nơi đây phải bận rộn với việc đồng áng, nương rẫy nên các lớp học thường được tổ chức vào buổi tối lúc 20h - 23h, từ thứ 2 đến chủ nhật hằng tuần.
Ông Tòng Văn Hân đang truyền dạy chữ Thái cổ cho các học viên tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên.
Người trực tiếp giảng dạy lớp học chữ Thái cổ này là ông Tòng Văn Hân, người dân tộc Thái ở bản Uva, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Được biết, ông Hân là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tổ chức giảng dạy những lớp học chữ Thái cổ. Bởi nhiều năm nay ngoài dạy các lớp học được mở theo các chương trình của nhà nước ông còn mở lớp tại nhà.
Từ khi mới thành lập vào năm 2018 đến nay, người dân trong bản đều hăng hái và thích thú đăng ký tham gia lớp học chữ Thái cổ này. Mỗi người đến với lớp học vì nhiều mục đích khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều mong muốn biết và hiểu được chữ viết của dân tộc mình.
Em Tòng Thu Bình (16 tuổi, học sinh trường THPT huyện Điện Biên) chia sẻ: Là người dân tộc Thái, em luôn muốn tìm hiểu về văn hóa, chữ viết của dân tộc mình. Ngoài việc học tập tại trường, em đã đăng ký lớp học này để có thể biết đọc, biết viết chữ Thái.
Sau gần 1 tháng học, em đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ. Em cảm thấy chữ Thái cổ rất hay và thú vị. Em muốn được tìm hiểu sâu về loại chữ viết này để sau này còn truyền dạy cho những người dân tộc Thái muốn tìm hiểu về chữ viết của dân tộc mình.
Lớp dạy chữ Thái cổ có đa dạng độ tuổi học viên tham gia.
Nhìn thấy người dân trong bản hăng hái, nhiệt tình đăng ký tham gia lớp học chữ Thái cổ, ông Hân rất vui mừng nhưng xen lẫn với niềm vui ấy cũng là bao gánh nặng cùng với nỗi lo.
Ông Hân chia sẻ: Khi thấy bà con nhiệt tình đăng ký tham gia học cái lớp này tôi rất vui. Vì thấy ai cũng mong muốn được được hiểu và biết được chữ viết của cha ông mình để lại. Những để truyền đạt kiến thức cho người dân sao cho dễ hiểu nhất là rất khó. Bởi vì, trình độ học thức và sự tiếp thu của mỗi người khác nhau, cho nên bản thân tôi buộc phải bỏ thời gian ra để tự tìm tòi, học hỏi xây dựng một cái giáo án thật chi tiết, dễ hiểu và sát với thực tế đời sống của người dân nơi đây.
Theo ông Hân hiện nay, các lớp học chữ Thái được mở ra đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con nhân dân. Tuy nhiên, số lượng giáo viên dạy chữ Thái còn ít cho nên các lớp học chỉ giới hạn ở 30 học viên do quá tải, thực tế nhu cầu của người học lớn hơn con số này nhiều lần.
Vì vậy, nhân dân bản Liếng nói riêng và nhiều bản Thái khác mong muốn trong thời gian tới chính quyền các cấp sẽ quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để mở thêm nhiều lớp học chữ viết dân tộc Thái và chú trọng vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Thái, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của người học cũng như góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái.
Tin liên quan