Người dân đến Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để thăm khám, tầm soát, điều trị - Ảnh: THU HIẾN
Tại Việt Nam, ung thư vú hiện đang là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và cũng là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Cần làm gì để phòng bệnh?
Điều trị sớm, khả năng khỏi cao
Tình cờ phát hiện mình mắc ung thư vú ở giai đoạn 2 khi đi khám sức khỏe, cầm kết quả chẩn đoán ung thư vú trên tay, chị N.T.H. (40 tuổi, Đồng Nai) sốc, hoảng loạn như nhiều người khác. Bệnh đến bất ngờ nhưng sau đó chị H. vẫn vui vẻ lạc quan cùng các y bác sĩ chiến đấu với căn bệnh.
"Tôi không cho phép mình gục ngã, tôi đã cố vượt qua bằng cách phải chấn chỉnh lại tâm lý. Nếu tâm lý vững thì đã chiếm được 80% thành công, đến bây giờ tôi cảm thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Nếu có phát hiện ung thư, mọi người đừng nên hoảng loạn mà bình tĩnh tìm giải pháp tốt nhất", chị H. chia sẻ.
Đã gần một năm nay, cứ 3 ngày/tuần, từ 4h30 sáng bà T.C. (49 tuổi, Long An) đã tranh thủ dậy để bắt chuyến xe buýt sớm nhất từ Long An lên đến Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để hóa trị.
Năm 2021, bà C. cảm thấy vùng ngực mình đau nhức mới đến bệnh viện kiểm tra. Bà hoang mang, bất ngờ vì được các bác sĩ kết luận mắc phải căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2.
"Tôi phát hiện mình có cục u nhỏ ở vùng vú từ lúc còn 16 tuổi, khi sờ cục u chạy hai bên vú. Hai năm trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tôi chủ quan không đi khám, sau đó thấy cục u to lên bất thường, đau nhức, lan tỏa sang hai bên nách.
Trong quá trình điều trị, đến nay tôi đã vô thuốc được gần 60% liệu trình nhưng vẫn có sức khỏe tốt", bà C. kể.
Ung thư vú có xu hướng trẻ hóa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết tỉ lệ bệnh ung thư nói chung có khuynh hướng tăng, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Tỉ lệ tăng trung bình là 5%/năm, nhưng không được gọi là quá đột biến, tương ứng với với quy luật của các nước phát triển.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tỉ lệ ung thư tăng như: ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, thói quen như hút thuốc lá hay uống rượu bia, năng lực tầm soát ung thư...
Hiện nay, ung thư vú có khuynh hướng trẻ hóa, nhiều nữ giới 25 tuổi đã mắc bệnh. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ điều trị khỏi rất cao lên đến 85%, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 hay 4) thì tỉ lệ khỏi sẽ giảm xuống từ 35 - 45%.
Nhiều liệu pháp mới điều trị ung thư
Bác sĩ Thịnh cho biết, đối với điều trị ung thư vú, khi điều trị sẽ có sự phối hợp chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Đối với lĩnh vực phẫu thuật đã có nhiều bước tiến mới. Nếu như trước đây khi mắc bệnh phải cắt bỏ tuyến vú, nhưng nay tùy theo sự phát hiện sớm hay muộn, các bác sĩ có thể phẫu thuật mà vẫn giữ được tuyến vú cho người phụ nữ.
Thêm vào đó, trong lĩnh vực xạ trị trước đây thường gây ra nhiều tác dụng phụ nhưng ngày nay các thiết bị máy móc hiện đại, xạ trị đem lại kết quả tốt, ít biến chứng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hóa trị, dựa vào những hiểu biết về sinh học phân tử của ung thư vú, các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp, kiểm soát yếu tố bất lợi cho bệnh nhân gọi là y học chính xác.
Trước đây, với các trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm phát hiện và điều trị rồi nhưng vẫn tái phát và di căn thì hiện nay giai đoạn 3 nhiều người lại có kết quả tốt.
TS Nguyễn Hoàng Quý - phó trưởng khoa nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết thực tế tại bệnh viện nhiều bệnh nhân tham khảo các phương thuốc chữa ung thư vú bằng thuốc nam, đắp lá thuốc lạ, chọc hút khối u, thậm chí nhiều bệnh nhân còn hơ lửa...
Tuy nhiên, đến nay các phương pháp này không có cơ sở khoa học chứng minh, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cơ hội điều trị khỏi của những bệnh nhân bị biến chứng do điều trị sai cách sẽ giảm xuống.
"Khi thấy mình xuất hiện khối u ở vú, tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về ung bướu để được chẩn đoán và điều trị. Ngày nay, Tây y rất phát triển trong chẩn đoán và điều trị ung thư, khi thăm khám bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán khối u ác tính hay lành tính để tìm được biện pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Quý thông tin.
"Ung thư vú hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị thành công khi đi thăm khám, tầm soát sức khỏe. Chính vì vậy, phụ nữ phải ý thức được vấn đề sức khỏe của mình, đặc biệt là đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm để các bác sĩ hướng dẫn làm xét nghiệm cần thiết.
Đặc biệt, nữ giới sau 35 tuổi nên đi khám sức khỏe tổng quát mỗi năm một lần", bác sĩ Thịnh nói.