Sáng sáng, trong khu tập thể trường đại học nọ, người ta thường thấy cảnh một ông giáo chừng ngoài 50 tuổi, dáng người nhỏ bé gầy gò, dắt chiếc xe máy ra cửa cho vợ đi làm. Bà vợ váy áo sang trọng, ngồi lên xe, nổ máy. Trước khi nhấn ga, bà còn quay lại dặn ông chồng đang đứng tần ngần đợi lệnh:
- Chốc nữa có thợ đến sửa bếp, ông bảo họ làm đúng những gì tôi dặn, nhớ chưa? Nếu phát sinh chuyện gì ông cứ gọi hỏi tôi, đừng có tự ý thay đổi gì cả!
Thấy ông chồng đứng im ghi nhớ từng lời, bà đã toan phóng xe đi thì cô con gái út chạy ra:
- Mẹ ơi, thế hôm nay con ghi tên vào học lớp ngoại ngữ nào?
Bà nói như quát:
- Tiếng Anh! Tối qua vừa nói xong lại hỏi.
Cô con gái phụng phịu:
- Nhưng bố bảo học tiếng Pháp hơn!
- Bố mày thì biết gì!
Bà nổ máy phóng đi. Ông chồng lẳng lặng đi vào nhà, khe khẽ khép cửa lại.
Những cảnh tượng na ná trên đây không phải là cá biệt mà chỉ mấy năm trở lại đây đã xuất hiện đến mấy “nữ tướng” trong khu tập thể này. Những bà này mỗi người một vẻ nhưng họ đều giống nhau ở một điểm là những người kiếm ra tiền.
Tất cả các ông chồng của họ đều “lép vế”. Khi có công to, việc lớn trong nhà, tiếng nói của các ông đều thiếu cái mà người ta gọi là “trọng lượng”.
Phải chăng thời kinh tế thị trường này, vai trò chủ gia đình có xu hướng rơi vào tay người nào có thu nhập cao hơn?
Ảnh minh họa
Nhà nghiên cứu tâm lý người Mỹ, David Bruno cho rằng, nếu người chồng không làm được vai trò trụ cột về kinh tế mà để vai trò đó rơi vào tay người vợ, thì tất nhiên anh ta phải nhận lấy việc nội trợ như cơm nước, giặt giũ, kiên nhẫn cọ rửa từng cái bát, cái đĩa thì dần dần anh ta sẽ cảm thấy yếu đuối, sinh ra chán nản và có thể rơi vào tâm trạng u buồn.
Vậy phụ nữ có mong muốn một người chồng như thế không?
Một cuộc thăm dò ý kiến trên tạp chí “Elle” của Pháp cho thấy 92% phụ nữ muốn chồng phải đưa ra ý kiến quyết định cuối cùng.
Một độc giả của tạp chí này nói: “Không có gì ngán ngẩm hơn sống với một người đàn ông “không có ý kiến riêng” mà thế nào cũng được”.
Nếu tiến hành một cuộc phỏng vấn ở nước ta, tôi tin rằng cũng rất hiếm phụ nữ thích làm “nữ tướng” mà ai cũng mong muốn có người chồng là đàn ông đích thực.
Có một đôi vợ chồng cãi nhau chỉ vì chồng "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành". Bất ngờ một hôm hàng xóm nghe tiếng người vợ gào lên “Hai người đàn bà ở với nhau không thể nào sống được”.
Mới biết khi người chồng không đóng vai trò chính về kinh tế hay địa vị xã hội, anh không bằng vợ, người phụ nữ nên tế nhị hơn để giữ thể diện cho chồng. Điều đó làm cho chồng sẽ cư xử như một người đàn ông. Anh ta sẽ có uy tín với con cái và chỉ có như thế mới dạy được con, gia đình mới trên thuận dưới hoà và nhà chồng mới khen nàng dâu biết đường ăn, nết ở.
Chúng ta đấu tranh cho bình đẳng nam nữ nhưng chắc chẳng ai muốn biến đàn ông thành đàn bà và đàn bà lại thành ra đàn ông. Tạo hoá đã sinh ra có nam có nữ, có âm có dương, và kết hợp được hai đặc điểm giới tính đó mới tạo nên sự hoà hợp, trong hạnh phúc gia đình.
-->> Vì sao trẻ thiếu cha thường rụt rè, nhút nhát?
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa