Khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga S6 Phạm Văn Hai của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những ý kiến này nhằm bổ sung cho dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã đề xuất nhiều nhóm nội dung, mở rộng phân cấp, phân quyền cho TP.HCM ở nhiều lĩnh vực.
Đưa BT trở lại với đầu tư công
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP.HCM.
Bởi vì các dự án của TP.HCM thường có tính liên vùng, liên quan đến các địa phương khác. Do vậy, các tỉnh, TP trong vùng cũng nên được hưởng các chính sách, cơ chế đặc thù tương tự cho TP.HCM để có sự thống nhất.
Như vậy, sự thay đổi của TP.HCM sẽ có tác động lan tỏa cho cả vùng, đẩy nhanh các dự án.
Chuyên gia này gợi ý một trong những cơ chế có thể áp dụng với các dự án liên vùng là cho phép đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD).
Đây là một chính sách đặc biệt cho các dự án độc lập, giúp tạo quỹ đất, thu hồi giá trị từ quỹ đất đó để phục vụ nhu cầu giao thông công cộng.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo nghị quyết, TP.HCM mới đề xuất áp dụng mô hình TOD đối với ba dự án gồm tuyến metro số 1, metro số 2 và đường vành đai 3.
Do đó, ông Thành đề xuất áp dụng mô hình TOD cho tất cả dự án metro và các dự án giao thông đô thị, dự án giao thông liên kết vùng được triển khai thời gian tới.
Ngoài mô hình TOD, trong dự thảo lần này, TP cũng đề xuất áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT).
Đồng thời, xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP) và thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.
Những cơ chế này nếu được thông qua sẽ giúp TP giải quyết được vướng mắc của một số dự án thực hiện theo phương thức PPP trước đây hiện vướng do luật thay đổi.
Mặt khác, tạo cơ chế rộng mở, đa dạng để TP có thể kêu gọi nhiều nguồn lực khác nhau vào đầu tư, phát triển hạ tầng.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng nghị quyết mới phải bao trùm khái niệm TP.HCM vì cả nước, như vậy sẽ tạo sự lan tỏa và phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Phân quyền mạnh mẽ để tháo gỡ cho bất động sản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, cho biết nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM hiện vướng pháp lý qua nhiều năm.
Các doanh nghiệp cũng như các ban, ngành đã họp bàn cách tháo gỡ nhiều nhưng không dễ vì đối với những vấn đề phát sinh, các cơ quan ở cấp tỉnh thành thường phải trình lên bộ, sau khi các bộ tham vấn ý kiến thì cuối cùng vẫn trình lên Thủ tướng, những vấn đề còn vướng luật lại phải thông qua Quốc hội.
Ông Khương cho biết tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cao, trong khi ở TP.HCM lại cao hơn cả nước.
Để hành lang pháp lý bắt kịp tốc độ phát triển của đô thị, tốc độ phát triển của nền kinh tế rất cần những cơ chế đột phá về phân cấp phân quyền cho các đô thị. Cơ chế này sẽ giúp người đứng đầu dám quyết, chịu trách nhiệm. Giúp cho người đứng đầu các đô thị lớn như TP.HCM có cơ sở để quyết được những vấn đề như tính tiền sử dụng đất hay các vấn đề liên quan đến dự án nhà ở, bất động sản đã nằm trong quy hoạch thay vì phải tham mưu các bộ ngành.
Còn ông Nguyễn Đình Trung, chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực tại TP.HCM vì bất động sản là ngành kinh tế "nền" cho toàn bộ nền kinh tế phát triển.
Do đó, trong giai đoạn hiện nay, đưa các dự án có quy mô vừa phải, giá vừa túi tiền ra thị trường là rất cần thiết bởi nó tạo ra công ăn việc làm, kích thích ít nhất 40 ngành nghề phát triển, từ nguyên vật liệu, xây dựng, nội thất, điện tử, tiêu dùng, dịch vụ, giáo dục...
Nhưng để có được giấy phép xây dựng là một hành trình dài và khó khăn, doanh nghiệp mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh thành có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm cấp phép xây dựng.
"Để gia tăng nguồn cung bất động sản vừa túi tiền, chúng tôi mong muốn các chính sách hỗ trợ để đưa dự án vào thực tế. Một dự án phải đến được giai đoạn thi công, có giấy phép xây dựng, mới có thể tạo ra công ăn việc làm, sản phẩm từ đó mới đến được người dùng cuối", ông Trung nói.
Đề xuất miễn thuế thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học
Cũng trong dự thảo nghị quyết mới, TP kiến nghị một số cơ chế, chính sách vượt trội như chính sách để thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược cho những khu vực mà TP còn nhiều dư địa. Cơ chế này kỳ vọng sẽ gỡ được nút thắt lớn trong vấn đề nguồn nhân lực nói chung, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học nói riêng của TP.
Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM đã đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Các cơ quan này cũng đề xuất miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.