Chục năm trước, cái ngày Hồ Phi Quyết cùng vợ, chị Nguyễn Thị Mai (xóm 10, xã Quỳnh Lộc, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) vác bao tải đi khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt rác làm sạch môi trường sống, người làng lắc đầu ái ngại.
"Thằng hâm. Việc nhà chưa xong, cứ lo chuyện bao đồng" - lắm người thở dài đánh thượt, không giấu nỗi cái bĩu môi.
Đến nhà Quyết "gàn" vào buổi chiều muộn chập choạng, nhá nhem, thấy gã đang tất bật sửa soạn đồ nghề chuẩn bị "xuống đường". Địa bàn hoạt động là các địa điểm có lượng rác thải lớn trên địa bàn xã. Cả chục năm nay, đó gần như là công việc thường nhật của gã. Chỉ hôm trái gió trở trời, nằm liệt giường thì đành chịu.
"Bữa nào không đi nhặt rác được thấy ngứa ngáy, nhớ "nghề" ghê gớm. Ở cái xã này, điểm nào thường xuyên có rác thải, tôi nắm trong lòng bàn tay. Phóng xe trên đường, lúc đi làm về, như một thói quen, tôi cùng vợ luôn cố tình quan sát để "săn" rác. Cuối tuần thì cao điểm, lùng sục khắp" - Quyết nói.
Rảnh là Quyết "gàn" lại tay bị, tay gậy đi nhặt rác
Xã Quỳnh Lộc có hơn 13 km đường nông thôn. Mỗi người mỗi tính, không phải ai cũng có ý thức giữ vệ sinh chung. Có nơi dọn chiều nay, chỉ sáng mai thôi rác lại bị chất đống vô tội vạ.
Vậy nên với những người dân bản địa, hình ảnh vợ chồng Quyết "gàn" tay gậy tay bị đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp làng trên xóm dưới thực sự là một..."hiện tượng! Từ chỗ dè bỉu, lẩm bẩm chửi lão... hâm, dần dần nhiều người thấy khâm phục và tự giác nhắc nhở người thân, bạn bè thay đổi ý thức trong việc xả rác.
Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình Hồ Phi Quyết, càng thấy trân quý hơn. Vợ chồng anh có 3 người con, đứa thứ 2 bị bệnh nan y. Gia cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa, chị Mai đành ngậm ngùi nghỉ việc tại mỏ đá, ở nhà chăm con. Mọi chi phí sinh hoạt gia đình từ ngày đó trông chờ vào đồng lương lái máy xúc còm cõi của Quyết.
Lập đội thiện nguyện thu gom rác
Cơ duyên đến với "nghiệp" thu gom rác tình nguyện của Quyết đến hết sức tình cờ, đó là câu chuyện từ một người bạn làm cùng chục năm về trước.
Gã kể, thời gian làm công nhân lái máy xúc cho mỏ đá tại huyện Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), cách nhà gần 10 km, ngày ngày chứng kiến anh Nguyễn Ngọc Chung (quê tỉnh Hưng Yên) - quản lý, cứ thấy rác trong khu vực mỏ là nhặt. Hành động "lạ" của vị quản lý cứ lặp đi lặp lại, mưa dầm thấm lâu, rồi dần ăn sâu vào tiềm thức, thay đổi nhận thức của Quyết.
Hữu duyên gặp rồi thành bạn tri âm, Quyết, Chung cùng một số người quyết thành lập CLB thiện nguyện để kêu gọi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gian nan. Năm 2014, cảm thấy "khó ở" khi môi trường sống xung quanh bị rác thải bủa vây, Quyết bắt đầu hành trình đi... nhặt rác.
"Dù đã có xe thu gom rác nhưng nhiều người vẫn rất thiếu ý thức, xả thải bừa bãi. Tôi muốn thay đổi nhận thức của họ, bắt đầu từ hành động nhỏ của mình" - Quyết nhớ lại.
Con thơ bệnh tật, gia cảnh khó khăn nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi vợ chồng Hồ Phi Quyết
Công việc ở mỏ chủ yếu làm đêm nên cứ lúc nào rảnh rỗi là Quyết "gàn" lại vác bao tải xuống đường. Địa bàn ban đầu chỉ loanh quanh ngõ, thôn. Khi tinh thần đã vững, gã mạnh dạn ra các con đường liên xã, phóng xe máy tít sang nhiều vùng xa xôi của Thị xã Hoàng Mai, các xã bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu.
"Thời gian đầu, nhiều người lẩm bẩm..."thằng chập mạch" khi thấy tôi vác bao tải lội xuống mương, cúi mặt bên vệ đường, thậm chí rúc vào bụi cây nhặt rác. Cảm giác ngại ngùng ban đầu nhanh chóng qua đi. Thấy việc chồng làm có ý nghĩa, vợ tôi cũng hào hứng tham gia” - Quyết trải lòng.
Âm thầm một thời gian, Quyết nghĩ rồi tìm cách lan tỏa hành động đẹp đến mọi người, để họ thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường. Gã dùng điện thoại chụp ảnh, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người xem, hiểu, xắn tay cùng vợ chồng họ... xuống đường!
Việc làm ý nghĩa của Quyết từ chỗ bị dè bỉu, bỗng có sức lan toả như... sóng vỗ bờ. Lắm người dân tận thấy việc gã làm, dần thay đổi nhận thức về vấn đề xả rác. Nhiều tổ chức ở các xã lân cận hưởng ứng, kêu gọi các thành viên ra quân thu gom rác thải. Thời điểm hiện tại, nhóm tình nguyện đi nhặt rác thải do Quyết "gàn" sáng lập đã thu hút hàng chục người tham gia.
Hai năm trở lại đây, Quyết cùng một số đồng nghiệp bắt tay quyên góp tiền mua thùng rác tặng cho nhiều trường mầm non ở TX.Hoàng Mai. Theo anh, các trường đều có thùng rác, nhưng chỉ để ở nơi thu gom rác thải chung. Anh muốn đặt những thùng rác này ở những vị trí thuận lợi nhất, tạo thói quen bỏ rác vào thùng, cũng như giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Nhóm tình nguyện nhặt rác thải do Quyết "gàn" sáng lập thu hút hàng chục người tham gia.
Ông Hồ Quốc Uý - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho hay, gia cảnh anh Quyết khó khăn, con mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bản thân vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
"Hành động đẹp của vợ chồng anh Quyết cùng nhóm bạn đã khiến nhiều người dân bản địa thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống" - ông Uý nói.
Rời nhà Quyết "gàn" lúc anh đang lúi húi vác bảo tải cùng vợ chuẩn bị "xuống đường", tôi ấn tượng mãi câu nói của gã trước phút chia tay.
“Tôi cùng anh em trong đội thiện nguyện chỉ là những cánh én nhỏ, đâu thể nhặt hết rác thải. Qua hành động nhỏ của bản thân, mong muốn mọi người thay đổi ý thức bảo vệ môi trường sống. Hãy dừng ngay thói quen xả rác bừa bãi” - giọng Quyết văng vẳng trong chiều muộn.
Quang Minh - Anh Tuấn