Đến nay, đã có 6 người nhập viện sau khi ăn chả lụa và mắm ủ lâu ngày có chứa độc tố Botulinum. Chuyên gia y tế cảnh báo, bất cứ ai cũng có nguy cơ ngộ độc Bulinum vì đây không phải là loại vi khuẩn hiếm gặp và người dân cần có kiến thức để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc vi khuẩn này.
Hai bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TTXVN * Đề xuất cơ chế lưu trữ thuốc giải độc Botulinum
Trong ngày 14 và 15/5, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận 6 trường hợp, trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng, liệt cơ, khó nuốt. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, những người này ngộ độc với độc tố Botulinum.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vi khuẩn Botulinum sống trong môi trường yếm khí, nghĩa là những nơi có nồng độ oxy thấp, vi khuẩn này mới sống được.
Trong môi trường bình thường, Botulinum không sống được nhưng nó biến đổi thành các bào tử (vi khuẩn tạo ra vỏ bọc cho nó để ngủ đông, lúc này vi khuẩn trong trạng thái bất hoạt nhưng vẫn không chết) và nó có mặt ở khắp nơi xung quanh con người. Các bào tử này sẽ hoạt động trở lại trong môi trường không có oxy.
Do đó, tất cả các loại thức ăn đóng hộp, bao kín đều là môi trường thuận lợi cho các bào tử Botulinum phát triển. Như vậy, khả năng con người có thể nhiễm độc Botulinum khi sử dụng các thực phẩm đóng hộp, bao kín vẫn có thể xảy ra.
Đơn cử như tại Mỹ - nơi có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao nhưng vẫn ghi nhận từ 150 - 300 ca ngộ độc Botulinum mỗi năm. Ở Việt Nam, trước đây ít phát hiện ca bệnh vì khả năng chẩn đoán và hiểu biết về bệnh này còn rất hạn chế.
Từ năm 2020 đến nay, sau vụ việc pate Minh Chay, các bác sĩ đã biết đến loại vi khuẩn này nhiều hơn, cùng với đó, các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng đã hiện đại hơn nên việc chẩn đoán trở nên dễ dàng và phát hiện nhiều ca ngộ độc Botulinum trong cộng đồng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là Việt Nam không còn thuốc giải độc đặc hiệu BAT để điều trị khi có người ngộ độc Botulinum. Không có thuốc giải độc, các bác sĩ chỉ còn cách điều trị bằng hỗ trợ dinh dưỡng và thở máy.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng nhìn nhận: “Việc hết thuốc BAT là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân bởi nếu sử dụng thuốc BAT sớm, chỉ trong vòng 48 - 72 giờ, bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1 - 2 ngày, khoảng từ 5 - 7 ngày là bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường. Không có thuốc, thời gian thở máy của người bệnh sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng và đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây thật sự là thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum”.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, BAT là loại thuốc quý hiếm trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước đây, Việt Nam không có thuốc giải Botulinum, tuy nhiên năm 2020 xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người nguy kịch nên Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ thuốc cho Việt Nam.
Đến năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhập về 6 lọ thuốc BAT. Số thuốc này đã sử dụng hết cho những người ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép muối chua ở Quảng Nam và hai bệnh nhi ăn chả lụa bán dạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã có công văn khẩn cấp đến Bộ Y tế đề nghị tiến hành mua thuốc giải độc BAT. Trước đó, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhiều lần đề xuất lập Trung tâm Lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý.
Theo bác sĩ Thức, các thuốc hiếm là thuốc dùng để cấp cứu, điều trị các trường hợp hiếm gặp như ngộ độc Botulinum, rắn độc cắn… ít khi sử dụng đến nhưng có giá thành khá cao. Do vậy, các bệnh viện thường có tâm lý e ngại mua những loại thuốc này bởi nếu không có bệnh nhân thì thuốc sẽ hết hạn sử dụng, vô cùng lãng phí. Tuy nhiên, nếu không có thuốc, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Điển hình như các trường hợp ngộ độc Botulinum trong thời gian qua. “Trong khi các bệnh viện không thể dự trữ được các loại thuốc hiếm, việc thành lập Trung tâm Lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia là rất cấp bách. Trung tâm này sẽ phụ trách đấu thầu, mua thuốc, lưu trữ và điều chuyển thuốc hiếm cho các cơ sở y tế trong cả nước khi cần thiết”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đề xuất.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, tích cực cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum. Ảnh: TTXVN* Phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc Botulinum, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân, trong khâu chế biến các loại thức ăn đóng chai, lọ hay bọc kín cần làm sạch môi trường, lau chùi, vệ sinh thường xuyên khu vực chế biến để tránh bụi bẩn, đất, cát và các vi khuẩn độc hại bám vào thực phẩm. Việc đóng gói thực phẩm nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại.
Các nhà sản xuất khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để cho thực phẩm an toàn. Người dân tự đóng gói tại nhà nguy cơ mất an toàn rất cao. Một biện pháp mà bác sĩ Hùng cho rằng người dân nên áp dụng khi đóng, gói kín thực phẩm là sử dụng độ mặn trên 5% muối/100gr thức ăn do ở môi trường mặn quá vi khuẩn không phát triển được.
Người dân lưu ý không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm đóng hộp bị phồng, biến dạng bởi đó là những sản phẩm đã bị vi khuẩn Botulinum hoặc vi khuẩn khác tấn công; hoặc dù còn hạn sử dụng, không bị biến dạng nhưng khi mở ra không còn hương vị tự nhiên cũng không nên ăn.
Điển hình như trường hợp hai trẻ em ngộ độc Botulinum ở thành phố Thủ Đức ăn chả lụa gói kín bằng nilon và đã bắt đầu có dấu hiệu chảy nước, mùi vị không bình thường. Người dân có thể nấu chín các thực phẩm đóng hộp, gói kín ở nhiệt độ cao từ 10 - 15 phút giúp giảm nguy cơ ngộ độc Botulinum và các vi khuẩn gây ngộ độc khác.
Bác sĩ Trương Ngọc Phú, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh khuyên phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.
Khi phát hiện thực phẩm có màu, có mùi lạ, không nên ăn và thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng cho mình và cả gia đình.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cảnh báo người dân, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
Người dân chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi; ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.